Samsung phát triển chip bảo mật đầu tiên chống lại máy tính lượng tử

Xem nhanh [ẨnHiện]
Chip bảo mật đối phó với máy tính lượng tử đang được Samsung tích cực phát triển
Trong thời đại mà smartphone ngày càng trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, vấn đề bảo mật dữ liệu cũng trở nên quan trọng hơn. Mới đây, Samsung vướng phải một số lỗ hổng bảo mật trong Thư mục bảo mật. Dù chưa được giải quyết, nhưng hãng cũng đang âm thầm phát triển một công nghệ mang tính cách mạng: con chip bảo mật đầu tiên trên thế giới được tích hợp “mã hóa hậu lượng tử” (PQC - Post-Quantum Cryptography).
Vì sao máy tính lượng tử là mối đe dọa đối với bảo mật dữ liệu?
Máy tính lượng tử là một bước tiến lớn của công nghệ, được kỳ vọng sẽ trở nên phổ biến sau năm 2030. Tuy nhiên, sức mạnh xử lý vượt trội của chúng cũng đặt ra một vấn đề lớn. Cụ thể, các thuật toán mã hóa hiện tại có thể bị cỗ máy này phá vỡ trong chớp mắt, khiến nhiều biện pháp bảo mật truyền thống trở nên vô dụng. Điều này đồng nghĩa với việc dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng hay các thông tin quan trọng khác có nguy cơ bị xâm nhập dễ dàng hơn bao giờ hết.
Nhằm đối phó với mối nguy này, Samsung đã nghiên cứu và phát triển S3SSE2A – một con chip bảo mật chuyên dụng giúp bảo vệ các thiết bị Galaxy trước các cuộc tấn công từ máy tính lượng tử.
S3SSE2A – Bước tiến mới trong bảo mật trên smartphone Galaxy
S3SSE2A được phát triển bởi Samsung System LSI, bộ phận đứng sau dòng chip Exynos. Theo Samsung, con chip này có thể chống lại các mối đe dọa từ máy tính lượng tử sớm nhất vào năm 2028, ngay cả khi công nghệ này chưa thực sự phổ biến.
Hiện tại, Samsung chưa công bố cụ thể dòng máy nào sẽ sử dụng S3SSE2A. Tuy nhiên, khi ra mắt Galaxy S25, hãng đã nhấn mạnh rằng loạt flagship này được tích hợp mã hóa hậu lượng tử thông qua con chip Snapdragon 8 Elite.
Điểm đáng chú ý là S3SSE2A được phát triển bởi Samsung System LSI, một đơn vị không liên quan đến Snapdragon. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng Samsung có thể sẽ tích hợp con chip này vào các flagship Galaxy sử dụng vi xử lý Exynos trong tương lai, chẳng hạn như Exynos 2600, trang bị trên các dòng Galaxy S và Galaxy Z thế hệ tiếp theo.
Nếu điều này thành sự thật, các flagship Galaxy trong tương lai sẽ sở hữu hệ thống bảo mật hàng đầu, vượt trội so với nhiều dòng smartphone khác trên thị trường.
Dù vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi xoay quanh cách con chip này vận hành, cũng như liệu nó có tích hợp với những tính năng bảo mật quen thuộc như Secure Folder hay không. Có lẽ, chúng ta sẽ phải chờ thêm thông tin chính thức từ Samsung trong thời gian tới.
Xem thêm:
- Samsung chính thức xác nhận sự kiện ra mắt dòng Galaxy A mới
- Chi phí sửa màn hình điện thoại Samsung bao nhiêu tiền, cập nhật mới 2025?
- Tổng hợp 10 thương hiệu điện thoại phổ biến nhất hiện nay
XTmobile.vn (Nguồn: Gizmochina)